Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Phần mềm Cabri 3D

Phần mềm Cabri 3D Tiếng Việt (Full – Dùng vô thờihạn).

Cách cài đặt và tạo ra các slide PowerPoint đã nhúng các tệp Cabri

Bài viết này sẽ giới thiệu nhanh cách cài đặt và tạo ra các slide PowerPoint đã nhúng các tệp Cabri bên trong.
1. Trước hết chúng ta phải tải phần mềm Cabri 3D Plus Plug-in và cài đặt phần mềm này trong máy tính của mình. Tải phần mềm Cabri 3D Plus Plug-in tại đây
HOẶC:
Nhấp vào các địa chỉ dưới đây để download phần mềm Cabri 3D v2.0 về:
Tập tin cài đặt:
http://download.cabri.com/data/cabri…ad_200_Win.exe
Tập tin dùng để crack cabri 3D v2.0:
 http://www.box.net/shared/kg6pxertku (sau khi cài đặt xong, chạy file này để crack phần mềm)
Tập tin hướng dẫn (tiếng Việt):
http://download.cabri.com/data/pdfs/…nual_vi_vn.pdf
Tập tin ví dụ:http://download.cabri.com/data/examples/Vi_du_vi_VN.zip
Công việc cài đặt phần mềm này rất đơn giản chỉ bằng vài lần click chuột.
2. Để có thể nhúng một tệp Cabri (tệp có định dạng *.cg3) vào các slide của PowerPoint chúng ta hãy thực hiện các bước sau:
(a) Chuyển đến Slide muốn chèn. Chú ý rằng tệp PPT và tệp CG3 nên để cùng một thư mục để dễ chọn và tìm.
Thực hiện lệnh Insert --> Object, xuất hiện cửa sổ chọn đối tượng dạng sau.
Chọn dòng có ghi: Cabri 3D và nhấn nút OK.
Ta sẽ thấy trên trang PowerPoint xuất hiện một đối tượng nhúng kiểu Cabri có dạng như hình dưới đây.
(b) Nháy chuột phải trên đối tượng này, ta thấy xuất hiện một bảng chọn trên đó có dòng lệnh:Cabri3ActiveDoc Object, trỏ chuột vào dòng này như hình dưới đây.
(c) chọn tiếp lệnh Import.... ta sẽ thấy xuất hiện hộp hội thoại mở file như hình dưới đây.
Bạn cần tìm tệp Cabri muốn chèn và nhúng vào slide hiện thời. Sau khi chọn được tệp nhấn nút Openđể thực hiện công việc nhúng tệp đã chọn. Màn hình Slide của PowerPoint sẽ hiện rõ chính xác nội dung của tệp Cabri muốn chèn.
(d) bạn cần thực hiện lệnh Save để ghi lại các thay đổi.
3. Công việc đã kết thúc và bây giờ bạn đã sẵn sàng cho việc trình diễn Cabri ngay trong slide show của PowerPoint. Bạn hãy thực hiện lệnh Slide Show, màn hình trình diễn sẽ hiện chính các nội dung hình ảnh phần mềm Cabri chính xác như thật và chúng ta có thể thao tác trực tiếp trên slide show như chính trong phần mềm Cabri.

Chú ý rằng sau khi nhúng tệp Cabri (*.cg3) vào slide PowerPoint thì tệp Cabri này sẽ không cần nữa! Chúng ta chỉ cần các tệp ppt là đủ. Rất thuận tiện phải không các bạn. Không cần Cabri 3D cài trong máy, chỉ cần bản Plug-in (miễn phí) và PowerPoint là có thể trình diễn, giảng dạy hình học y hệt như đang có Cabri vậy.

Tải phần mềm Sketpad 4.07

Tải phần mềm Sketpad 4.07 tại ĐÂY. Chúc bạn thành công!

Hướng dẫn sử dụng phần mềm gõ công thức Toán - MathType

Hướng dẫn sử dụng phần mềm gõ công thức Toán - MathType

Bài viết này sẽ giới thiệu một số kỹ năng nâng cao giúp gõ công thức Toán trong MathType 6.0nhanh hơn. Nếu bạn chưa biết MathType là gì thì chỉ cần đọc xong bài viết này bạn sẽ có thể gõ được đại đa số các công thức mà bạn muốn. Nhưng nếu bạn đã biết sơ qua MathType rồi thì cũng nên đọc vì nó rất có giá trị tham khảo.
Mathtype
 
 
Đầu tiên là quá trình cài đặt. Ở đây chúng ta sẽ xét phần mềm Mathtype 6.0. Mình khuyên mọi người nên cài bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office trước. Mathtype dùng cho Word, Excel và PowerPoint trong bộ office.
 
 


Sau đó chúng ta sẽ cài Mathtype. Quá trình cài Mathtype và hướng dẫn sơ bộ cũng có trong đấy luôn. Tuy nhiên bạn đọc tiếp sẽ thấy dễ hiểu hơn nhiều so với các tài liệu khác.

Vì Mathtype là phần mềm thương mại nên nếu bạn mua bản quyền (Khoảng vài chục $) thì không nói làm gì, nhưng nếu bạn xài đồ chui thì lúc bật Mathtype bạn nên tắt mạng Internet, vì nếu bật thì Mathtype sẽ bị quét key và trở thành bản dùng thử với rất ít tính năng. Nếu bạn bị quét key thì cũng chẳng sao, hãy vào Menu > Help > Unlock/Register mathtype để mở lại hết các chức năng.



Giờ chúng ta sẽ bắt đầu tập gõ, hãy thử gõ công thức sau: 
cong thức toán học
 
Nếu bạn mới gõ chắc chắn bạn sẽ gõ như thế này:

 - Vào Mathtype:


 - Gõ đến Phân số: bạn sẽ ấn vào nút này để mở chức năng phân số và làm tương tự cho đến hết các phân số:


Đó là cách ân dùng chuột và rất mất thời gian nếu gặp 1 công thức dài. Còn nếu giở Help ra đọc thì bạn cũng sẽ rối cả mắt vì toàn tiếng Anh, tìm cũng khá lâu, mà có tìm thấy thì lại nhiều phím tắt quá cũng khiến bạn choáng ngợp.
 
Vậy cách gõ thế nào mới là tốt? Bạn nhận thấy là Mathtype có rất nhiều công thức, tuy nhiên từng bài toán cụ thể bạn chỉ dùng 1 lượng công thức nhất định. Ở ví dụ trên cụ thể bạn chỉ mới cần gõ phân số là khó mà thôi. Để gõ nhanh bạn để hờ chuột vào ký hiệu phân số bạn sẽ thấy có phím tắtghi ở dưới:


nó ghi là Ctrl+F, có nghĩa là bạn ấn Ctrl+F thì nó sẽ ra luôn ký hiệu phân số. Đó chính là cách gõ nhanh. Nghĩa là bạn cần công thức gì thì đưa chuột vào công thức đấy và phím tắt sẽ hiện ra ở dưới, bạn ấn phím tắt ra công thức rồi điền số vào thôi.


1 ví dụ nữa là dấu ngoặc nhọn } ta thấy phím tắt của dấu ngoặc này như là Ctrl T, . Như vậy để gõ được ta phải gõ là Ctrl T, Shift ]


Vậy nếu bạn quen gõ TEX, giờ bạn muốn gõ TEX trên Mathtype thì sao? vậy bạn chỉnh Mathtype như sau:

1. Vào Preferences/Workspace Preferences


2. Bạn tích vào ô Allow TEX Language entry from the keyboard rồi ấn OK



Rồi gõ TEX, gõ xong ấn Enter bạn sẽ thấy công thức TEX chuyển thành hình ảnh


Cách gõ này rất thích hợp với ai muốn trình chiếu trên PowerPoint mà quen gõ TEX vì Mathtype hỗ trợ cho PowerPoint rất tốt.

Vậy thế nếu ký tự mà bạn cần không có phím tắt trong bảng chọn Mathtype thì sao? Ví dụ như trong công thức trên thì ký tự Delta  lại không có phím tắt. Vậy ta phải đặt phím tắt cho nó. Bạn vàoEdit/Insert Symbol


Rồi bạn chọn ký tự Delta tại ô số 1, tiếp theo ở mục 2, bạn ấn phím tắt vào ô đấy (Mình chọn phím tắt của Delta là Ctrl+Shift+D, bạn có thể đặt theo ý bạn tùy thích. Cuối cùng là ấn vào nút 3,Assign.


Vậy là phím tắt của Delta trong Mathtype giờ đây là Ctrl+Shift+D, và bạn ấn phím tắt là ra Delta ngay.

Vậy tóm lại cách dùng cơ bản của Mathtype là như thế nào? cơ bản gồm các bước sau:
  1. Mở Microsoft Word
  2. Ấn phím tắt Ctrl+Alt+Q để mở Mathtype lên
  3. Gõ công thức bằng các phím tắt như đã trình bày ở trên.
  4. Sau khi gõ xong ấn Ctrl+F4 để đưa công thức vào Microsoft Word.





Ưu và nhược của Mathtype:

Ưu điểm:
  1. Gõ nhanh và dễ nhớ hơn TEX, Mathtype có thể thành 1 công cụ tra cứu TEX.
  2. Hỗ trợ tốt cho bộ Microsoft Office, giúp cho bài viết đẹp hơn với hiệu ứng của Microsoft Office + hiệu ứng màu sắc, font chữ của Mathtype.
  3. Dễ dùng, tạo cảm giác thân thiện nhanh với người học.
  4. Giao diện đồ họa giúp chỉnh sửa dễ dàng.
  5. Nếu bạn muốn trình bày báo cáo bằng Slide PowerPoint thì đây có lẽ là lựa chọn số 1.
Nhược điểm:
  1. Với những người gõ TEX lâu năm, có lẽ bạn sẽ cảm thấy Mathtype gõ chậm hơn.
  2. Dung lượng file văn bản gõ bằng Mathtype sẽ tăng lên rất nhanh, do các ký hiệu ở dạng ảnh. (1 bài viết khoảng 40 trang mà nhiều công thức chắc cũng gần 10MB)
  3. Vì vấn đề dung lượng nên Mathtype chỉ thích hợp với báo cáo slideshow hoặc những bài viết ngắn với số lượng công thức không quá nhiều.
  4. Nếu bạn viết 1 bài dài (Khoảng >20 trang với nhiều công thức) bằng Mathtype, bạn nên cắt nó ra thành nhiều file word nhỏ.
  5. Chính vì lý do dung lượng nên các nhà xuất bản, các tạp chí trong và ngoài nước sẽ không đồng ý nếu bạn nộp bản thảo toán học bằng Mathtype.
Cái gì cũng có ưu và nhược của riêng nó. Nếu cân nhắc chọn đúng thì MathType vẫn là 1 phần mềm gõ công thức toán tốt nhất dành cho bạn. Chúc bạn thành công với MathType.

Chu Anh Tiến, Theo Diễn Đàn Toán Học

GS Ngô Bảo Châu và Bổ đề cơ bản Langlands

GS Ngô Bảo Châu và Bổ đề cơ bản Langlands





Viết về GS Ngô Bảo Châu
Tháng 12/2009, tạp chí Time (Mỹ), một tạp chí có uy tín quốc tế, đã xếp công trình toán học Bổ đề cơ bản của GS Ngô Bảo Châu thứ 7 trong số 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009. Công trình ấy được công bố năm 2007, sau đó, được giới toán học thế giới kiểm tra, phản biện, rồi công nhận vào năm 2009.
Tạp chí Time đặt công trình của nhà toán học Việt Nam bên cạnh những khám phá khoa học lớn như: tìm thấy người Ardi, tổ tiên cổ nhất của loài người sống cách đây 4,4 triệu năm; lập bản đồ chi tiết về bộ gen người; phát hiện nước trên Mặt trăng; Máy gia tốc lớn hadron ở Geneva (Thuỵ Sĩ) tạo năng lượng kỷ luc; thực hiện thành công viễn tải lượng tử...
Sinh năm 1972 tại Hà Nội dưới mưa bom trải thảm, học tập trong những năm khó khăn sau chiến tranh, mặc dù vậy, Ngô Bảo Châu liên tiếp đoạt hai huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế. 32 tuổi, anh trở thành giáo sư Đại học Paris-Nam và, sau đó, được công nhận là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Hà Nội, vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Anh liên tiếp được tặng nhiều giải thưởng toán học quốc tế như Giải thưởng Nghiên cứu Clay ở Mỹ (2004), Giải thưởng Oberwolfach ở Đức (2007), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp (2008)...
Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton mời anh sang Mỹ làm việc dài hạn.
Dù tới tháng 9/2010, Đại hội Toán học Thế giới mới được tổ chức tại Ấn Độ, nhiều người đang hi vọng, Ngô Bảo Châu sẽ vinh danh Việt Nam bằng Huy chương Fields danh giá.
Bài viết sau với những tư liệu chính xác và riêng về Ngô Bảo Châu của tác giả Hàm Châu, người vốn thân thiết và am hiểu nhà toán học nổi tiếng này.
***

Ngô Bảo Châu, “bom tấn” và “trống đồng” trong toán học

Khoa học là "nghề gia truyền"

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, khi cha anh tòng quân, chuẩn bị lên đường vào tuyến lửa Quảng Trị.
GS Ngô Bảo Châu cùng bố, GS,TSKH Ngô Huy Cẩn
Anh là con một, lớn lên trong gia đình trí thức: cha là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn, làm việc tại Viện Cơ học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; mẹ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Có thể nói, "nghề gia truyền" của gia đình anh là "nghề khoa học".
"Hữu thư chân phú quý" (có sách mới thật là giàu sang), của cải dồi dào trong gia đình anh không phải là "tờ xanh, cây vàng", mà là sách vở, là lòng khát khao hiểu biết được "di truyền" qua nhiều thế hệ. Tổ tiên anh thuộc dòng họ "thi thư", có người từng giữ chức Đông các Đại học sĩ chuyên giảng "sách thánh hiền" cho Thái tử triều Nguyễn.
Ngay từ những năm trung học cơ sở, Bảo Châu đã được học tại các lớp chuyên toán của thành phố Hà Nội đặt tại Trường Trưng Vương. Thầy Tôn Thân, thầy giáo toán cho Châu là người dạy giỏi nổi tiếng ở Thủ đô, cháu ngoại nhà học giả Phạm Quỳnh (Chủ bút tạp chí Nam Phong hồi đầu thế kỷ 20). Cô giáo dạy văn là cô Trịnh Bích Ba, con gái yêu của nhà học giả Trịnh Đình Rư, cử nhân Nho học, đã để ấn tượng sâu đậm trong lòng Châu ngay từ lứa tuổi thiếu niên giàu cảm xúc.
Lên bậc trung học phổ thông, Châu thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên Toán - Tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Suốt mấy thập niên, Đơn vị Anh hùng Lao động này đã hội tụ được nhiều nhà giáo dạy toán nổi tiếng như Phan Đức Chính, Nguyễn Văn Mậu, Lê Đình Thịnh, Phạm Văn Điều, Phạm Tấn Dương, Nguyễn Xuân My, Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, Phạm Quang Đức, Phan Cung Đức, Phạm Đăng Long, Nguyễn Thành Văn, cũng như những cô giáo, thầy giáo dạy giỏi các môn khác như các cô Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Thị Tính, các thầy Lê Đình Vinh, Dương Hoàng Giang, Lê Văn Việt, Nguyễn Cảnh Hòe...
Lão Tử, nhà tư tưởng lỗi lạc của phương Đông cổ đại, đã viết: "Thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ" (Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên). Ngô Bảo Châu đặt những bước chân đầu tiên vững chắc, đúng hướng, không "xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối".
Do được đào tạo trong "trường chuyên, lớp chọn" với chất lượng cao, cho nên mùa hè năm 1988, khi mới 16 tuổi, đang học lớp 11, Châu đã lọt vào đội tuyển học sinh giỏi toán nước ta đi thi Olympic Toán quốc tế (International Mathematical Olympiad/ IMO) tại Canberra, thủ đô Australia. Là một trong mấy thí sinh ít tuổi nhất kỳ thi, thế mà Châu vươn tới đỉnh cao nhất: giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Châu quả có năng khiếu toán vượt trội.
Mùa hè năm sau, 1989, Châu lại lọt vào đội tuyển quốc gia đi dự IMO tại Braunschweig (Brunswick trong tiếng Anh). Và, một lần nữa, Châu giành huy chương vàng.
Trở về Hà Nội, Châu vinh dự được bác Đỗ Mười, lúc đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mời lên Phủ Chủ tịch hỏi chuyện.

Vươn tới đỉnh cao giữa Paris hoa lệ

Học xong trung học, Châu theo một lớp tiếng Hungary, sửa soạn sang Budapest học lên đại học. Nào ngờ bên Đông Âu xảy ra "cách mạng nhung"! Chính quyền mới không cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam nữa...
Được Giáo sư Nguyễn Văn Đạo giới thiệu, Giáo sư Paul Germain, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, liền đề nghị Chính phủ nước này đặc cách cấp học bổng cho Châu vào Đại học Paris 6.
Đối với một sinh viên Pháp hay Việt Nam vào loại giỏi, được vào Đại học Paris 6 là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng Châu thì không! Anh luôn vươn tới đỉnh cao. Hai năm sau, anh thi vào hệ sau đại học của École Normale Supérieure de Paris, đại học danh tiếng nhất nước Pháp mà ta quen dịch là Đại học Sư phạm Paris, nơi từng đào tạo nhiều nhà bác học Pháp lừng danh, và cũng là nơi mà một số người Việt Nam ưu tú thế hệ trước như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân... đã từng theo học.
Do rất nổi tiếng trên thế giới, tên trường này thường vẫn giữ nguyên dạng chữ Pháp trong các văn bản tiếng nước ngoài. Châu đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển năm ấy.
Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, rồi luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi.



Người cha giáo sư và cô con gái nhỏ

Là một người "hiến thân" cho toán học, nhưng anh không phải là một cỗ rô-bốt chỉ biết tính toán suốt ngày đêm, mà trái lại, là một con người - như bạn bè anh nhận thấy - có tâm hồn tinh tế, trầm tư, giàu mỹ cảm, biết yêu những vũ khúc polonaise, mazurka mang âm hưởng đồng quê êm dịu của Chopin hay những khúc rhapsony (cuồng tưởng) đầy bão dông sấm sét của Liszt; biết say thơ Hàn Mặc Tử siêu thoát hay thơ Quang Dũng hào hoa; biết mải mê đọc ngấu nghiến mấy cuốn tiểu thuyết mới in như "Phế đô" (The Abandoned Capital), "Quỷ thành" của nhà văn Trung Quốc đương đại Giả Bình Ao - cây bút có biệt tài soi tỏ cõi tâm linh "tội lỗi" của những nhân vật nam và nữ thời nay như Trang Chi Điệp, Đường Uyển Nhi, Liễu Nguyệt... ở thành Tây An, chốn đế đô thời cực thịnh Hán - Đường, nhưng về sau bị "phế bỏ"!
Và chiều chiều người cha trẻ tuổi ấy thường âu yếm dắt tay cô con gái nhỏ thảnh thơi dạo bước men theo những ngọn đồi thoai thoải dốc, nở đầy hoa thuỷ tiên dại màu vàng sáng, hoa lệ xuân đỏ tươi hay hoa đậu kim vàng thắm ở vùng Palaiseau, Gif-sur-Yvette, ngoại thành Paris, vừa đi vừa bày cho con cách gọi tên các loài hoa ấy bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp.
Đầu năm 2004, khi chưa đầy 32 tuổi, anh được hai trường đại học lớn ở Paris (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư. Anh nhận lời Đại học Paris 11 vì muốn sống gần ba người đồng nghiệp có nhiều "duyên nợ": Gérard Laumon, Laurent Lafforgue và Ngô Đắc Tuấn. G. Laumon là người thầy đã hướng dẫn L. Lafforgue và Ngô Bảo Châu viết luận án tiến sĩ.
Cả hai nhà toán học Pháp ấy đều đã sang thăm Việt Nam và đã sống nhiều ngày trong ngôi nhà của cha mẹ anh lúc bấy giờ ở khu Mai Động, Hà Nội. Còn Ngô Đắc Tuấn, thì vốn cũng là "dân chuyên toán Tổng hợp" như Châu, và cũng như Châu, Tuấn hai lần giành huy chương vàng IMO (International Mathematical Olympiads, năm 1995, rồi 1996) tại Canada và Ấn Độ, sau đó, theo học Đại học Bách khoa Paris (École Polytechnique de Paris), đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp. Tuấn được Châu giới thiệu làm nghiên cứu sinh với L. Lafforgue, bạn thân của Châu và là nhà toán học được tặng Huy chương Fields (Fields Medal), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Bước qua chướng ngại 30 năm của nền toán học thế giới

Ngô Bảo Châu đã nghiên cứu thành công Bổ đề cơ bản của Langlands, một "bổ đề" khó chứng minh đến mức mà 30 năm qua, nhiều nhà toán học hàng đầu - kể cả cá nhân Langlands - đã ra sức lao vào giải quyết nhưng đều thất bại. Vị GS trẻ này đã nhận được lời mời làm việc dài hạn tại Đại học Princeton, một đại học hàng đầu ở Mỹ, nơi Albert Einstein từng giảng dạy.

Công trình toán học gây tiếng vang tức thì

Tháng 4/2004, Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon công bố dưới dạng tiền ấn phẩm và đưa lên mạng Internet công trình toán học dày 100 trang viết bằng tiếng Pháp nhan đề: Le lemme fondamental pour les groupes unitaires (Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita/ the fundamental lemma for unitarian groups).
Công trình đi vào một vấn đề thời sự toán học, giải quyết một bài toán lớn từng được nhiều nhà toán học hàng đầu trên thế giới lao vào chứng minh trong suốt 20 năm nhưng chưa ai thành công, cho nên ngay lập tức gây tiếng vang rộng khắp.
Ngô Bảo Châu được mời sang Nhật Bản trình bày các kết quả mới, rồi sau đó, sang Canada dự Hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết tại Viện Fields. Đến hội nghị có nhiều nhà toán học nổi tiếng từ các đại học lớn trên thế giới. Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể đầu tiên.
Sau khi nghe anh, chính Robert Langlands, nhà toán học đã từng đưa ra Chương trình Langlands (Langlands Program) thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà toán học xuất sắc nhất hành tinh trong mấy chục năm qua, gặp ngay Ngô Bảo Châu, mời anh sang làm việc dài hạn tại Đại học Princeton, một đại học hàng đầu ở Mỹ, nơi Albert Einstein từng giảng dạy.

Gạt bỏ chướng ngại lì lợm cho giới toán học quốc tế

Do đã có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thành công Bổ đề cơ bản của Jacquet, Ngô Bảo Châu mạnh dạn bắt tay nghiên cứu Bổ đề cơ bản của Langlands. Sau hai năm, anh thực hiện được một bước đột phá vào mùa hè 2003, khi trở về Hà Nội "phượng đỏ bờ đê, ve kêu hàng sấu" để thăm cha mẹ tại ngôi nhà xinh xắn mới xây nhìn sang hồ Thủ Lệ biếc xanh. Những tháng tiếp theo, kết hợp với một số kết quả mà G. Laumon đã đạt được trước đó, hai tác giả hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita (the fundamental lemma for unitarian groups).
Công trình của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon chứng minh thành công "bổ để" này, gạt bỏ một vật chướng ngại lì lợm trên dòng chủ lưu của toán học đương đại, lập tức gây được sự chú ý của giới toán học quốc tế. Hai tác giả giúp giới toán học vượt qua một vật cản để tiến xa hơn trên con đường A. Wiles đã từng đi qua khi ông chứng minh Giả thuyết Taniyama - Shimura.
Với kết quả Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon đạt được, giới toán học quốc tế đã bước thêm một bước tiến tới chứng minh các giả thuyết khác trong Chương trình Langlands (Langlands Program), thực hiện giấc mơ ấp ủ của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thống nhất vĩ đại huy hoàng trong toán học.
Không phải ngẫu nhiên khi chính A. Wiles, "nhà toán học lừng danh nhất thế kỷ 20", tự mình đứng ra tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận Giải thưởng Nghiên cứu của Viện Toán học Clay dành cho công trình toán học xuất sắc nhất thế giới năm 2004. Cũng không phải dễ dàng khi người Mỹ mời anh sang nước này làm việc với mức lương hơn 200 nghìn USD/ năm.
Giáo sư Gérard Laumon (trái) và giáo sư Ngô Bảo Châu tại Paris (Pháp) mùa hè 2004

Làm được việc chính Langlands cũng thất bại

Để hiểu được ý nghĩa của thành công trên, ta hãy quay về với quá trình chứng minh Định lý cuối cùng của Fermat, hay còn gọi là Định lý lớn Fermat. Định lý này được Pierre de Fermat, nhà toán học Pháp kiệt xuất, nêu lên vào thế kỷ 17, nhưng không để lại chứng minh! Và, vì thế, nó đã trở thành một thách đố làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại trong hơn ba thế kỷ! Thoạt nhìn, định lý thật giản đơn: Phương trình xn + yn = zn không có nghiệm nguyên dương khi n > 2.
Định lý lớn Fermat khiến ta nhớ tới một định lý đã được Pythagore, nhà toán học Hy Lạp cổ đại, chứng minh vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, thường gọi là Định lý Pythagore: x2 + y2 = z2 (nếu trong một tam giác vuông ta coi cạnh huyền là z, các cạnh góc vuông là x và y).
Thế nhưng, hơn ba thế kỷ trôi qua, không ai chứng minh được Định lý lớn Fermat!
Giữa thế kỷ 20, hai nhà toán học Nhật Bản Yukata Taniyama và Goro Shimura đưa ra phỏng đoán thiên tài (về sau gọi là Giả thuyết Taniyama - Shimura) rằng mỗi phương trình eliptic đều có liên hệ với một dạng modular. Nếu giả thuyết này đúng, thì nó sẽ tạo điều kiện để giải quyết nhiều bài toán eliptic cho đến nay chưa giải quyết được, bằng cách tiếp cận chúng qua thế giới modular. Và, như vậy, hai thế giới eliptic và modular vốn tách biệt nhau, sẽ có thể thống nhất.
Trong những năm 1960, R. Langlands và những người cộng tác tại Đại học Princeton (Mỹ) đưa ra một loạt giả thuyết về những mối liên hệ giữa nhiều ngành toán học vốn rất khác nhau, và kêu gọi giới toán học quốc tế hợp tác chứng minh những giả thuyết cấu thành Chương trình Langlands.
Nếu những giả thuyết mang màu sắc tư biện ấy, vào một ngày đẹp trời nào đó, được chứng minh, thì sẽ mang lại những kết quả vô cùng to lớn cho toán học. Khi ấy, bất cứ một bài toán chưa giải được trong một lĩnh vực nào đều có thể biến đổi thành một bài toán tương tự trong một lĩnh vực khác, và các nhà toán học có thể huy động cả một kho to lớn những kỹ thuật mới để giải nó.
Thế nhưng, cho đến lúc bấy giờ, thì chưa có một giả thuyết nào trong chương trình đầy tham vọng của Langlands được chứng minh, kể cả giả thuyết nổi tiếng nhất là Giả thuyết Taniyama - Shimura.
Mùa thu năm 1984, tại một hội nghị toán học tổ chức trong khu Rừng Đen ở CHLB Đức, Gerhard Frey đi tới một kết luận đầy kịch tính, rằng nếu chứng minh được Giả thuyết Taniyama - Shimura, thì cũng có nghĩa là chứng minh đượcĐịnh lý lớn Fermat, bởi vì định lý này chỉ là một hệ quả của giả thuyết trên.
Kết luận đó kích thích mạnh lòng "cuồng nhiệt" của Andrew Wiles, một nhà toán học người Anh làm việc tại Mỹ. A. Wiles lặng lẽ tự giam mình bảy năm liền trên một gian gác xép, cam lòng chịu cảnh "lưu đày cô đơn" để bí mật tìm kiếm lời giải cho bài toán "xuyên thế kỷ"!
Để rồi trong ba phiên họp liên tiếp vào mấy ngày 21, 22 và 23/6/1993 tại Viện Isaac Newton ở Cambridge, Vương quốc Anh, quê hương A. Wiles, ông ta viết chi chít trên hai tấm bảng lớn, đột ngột thông báo chứng minh Giả thuyết Taniyama - Shimura  Định lý lớn Fermat chỉ là một hệ quả. Lúc ấy, nhiều người thành thật nghĩ rằng đó là "buổi thông báo toán học quan trọng nhất thế kỷ 20".
Báo Guardian ở Anh cũng như báo Le Monde ở Pháp rút tít lớn trên trang nhất. Tờ People coi A. Wiles là một "người hấp dẫn trong năm" sánh ngang Công nương Diana! Một tập đoàn may sẵn quốc tế mời Wiles quảng cáo cho các mẫu quần áo đàn ông! Thế nhưng...
Nhà toán học Nick Katz, một người bạn của Wiles, bỗng phát hiện ra một lỗi nghiêm trọng nhưng hết sức tinh vi, khó thấy, trong bản thảo dày 200 trang của Wiles. Thế là, than ôi, dường như bất cứ ai cả gan lao vào chứng minh Định lý lớn Fermat, đều không tránh khỏi cuối cùng chuốc lấy... "thất bại định mệnh"! Và bài toán hóc hiểm kia vẫn cứ kiêu hãnh nằm nguyên tại chỗ như một toà... "lâu đài tăm tối"!
Nhưng là con người gang thép, Wiles không cam chịu "bó giáo quy hàng" như bao bậc "tiền bối"! Suốt 14 tháng trời tiếp theo, qua những ngày dài "đau đớn, tủi nhục và gần như tuyệt vọng", Wiles đã sửa chữa, hoàn thiện chứng minh, rồi trao bản thảo hoàn chỉnh cho người đầu tiên là vợ ông - bà Nada - để mừng sinh nhật bà, người đã khích lệ ông trong những phút giây "đen tối nhất"..
A. Wiles thành công vang dội khi chứng minh được Định lý cuối cùng của Fermat, chấm dứt 358 năm căng thẳng trong giới toán học quốc tế. Tuy nhiên, một kết quả mà những người "ngoại đạo" ít chú ý tới, nhưng lại có ý nghĩa to lớn hơn nhiều, đó là chứng minh Giả thuyết Taniyama - Shimura.
Giả thuyết Taniyama - Shimura được chứng minh có nghĩa hòn đá tảng của Chương trình Langlands quả thật là vững chắc. Chương trình này mặc nhiên trở thành bản thiết kế cho tương lai của toán học.
Một loạt giả thuyết toán học của Chương trình này liên kết nhiều đối tượng có vẻ rất khác nhau trong các lĩnh vực toán học như lý thuyết số, hình học đại số, lý thuyết các dạng tự đẳng cấu... ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà toán học hàng đầu, và dần dần trở thành dòng chủ lưu của toán học đương đại.
Việc gạt bỏ những vật cản trên dòng chảy chính ấy đã mang lại vinh quang cho nhiều nhà toán học: A. Wiles chứng minh thành công Định lý lớn Fermat, được tặng Giải thưởng Nghiên cứu Clay. V. Drinfeld thiết lập được tương ứng Langlands cho trường hàm trong trường hợp số chiều bằng 2; L. Lafforgue giải quyết trong trường hợp tổng quát; cả hai nhà toán học trẻ ấy đều được tặng Huy chương Fields.
Năm 1987, Langlands và cộng sự phỏng đoán về một tương tự tương ứng cho trường hàm trên trường phức, về sau, được gọi là tương ứng Langlands hình học. Để chứng minh được sự tồn tại của tương ứng đó, phải giải quyết một bài toán lớn mà lúc đầu Langlands chưa thấy hết mức độ phức tạp của nó, nên mới gọi là Bổ đề cơ bản.
Thuật ngữ bổ đề (lemma) thường dùng để chỉ một cái gì đó dễ chứng minh, một kết quả kỹ thuật giản đơn cần thiết trên con đường chứng minh một định lý đích thực. Thế nhưng, trong trường hợp này, cụm từ bổ đề cơ bản(fundamental lemma) lại gắn liền với một giả thuyết quyết định, một bộ phận không thể tách rời của Chương trình Langlands, một "bổ đề" khó chứng minh đến mức mà 30 năm qua nhiều nhà toán học hàng đầu - kể cả cá nhân Langlands - đã ra sức lao vào giải quyết nhưng đều thất bại!

GS Ngô Bảo Châu - người 3 lần được thế giới vinh danh

Bức thư của Chủ tịch Viện Toán học Clay

Những ngày giữa tháng 10/2004, Ngô Bảo Châu dự Hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Cùng với nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, GS Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet.
Đó là công trình 100 trang về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triểnlý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện Chương trình Langlands.
Trước Hội nghị Canada, anh nhận được bức thư điện tử của James Carlson, Chủ tịch Viện Toán học Clay, viết:
"Giáo sư Ngô thân mến,
Tôi vui mừng báo để ông biết: Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng Giải thưởng Nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5/11/2004 tại Cambridge, bang Massachusetts, trong phiên họp hằng năm của viện. Mục đích của giải thưởng này là để công nhận công trình nghiên cứu chung của hai ông về bổ đề cơ bản. Năm ngoái, hai người nhận giải thưởng là Richard Hamilton và Terry Tao. Năm trước, giải thưởng đã được trao cho Manindra Agrawal và Oded Schramm.
Hội đồng Cố vấn của Viện chúng tôi, gồm các ông James Carlson, Simon Donaldson, Gregory Margulis, Richard Melrose, Yum-Tong Siu, Andrew Wiles, gửi lời chúc mừng hai ông.
Tôi muốn hỏi ý kiến ông về những gì mà viện chúng tôi có thể giúp ông và ông Laumon trong nghiên cứu vào năm tới. Phạm vi giúp đỡ khá rộng, hai ông có thể tuỳ ý lựa chọn, bao gồm cả phí tổn những chuyến đi ra nước ngoài của hai ông và những người mà hai ông muốn cộng tác, hoặc để tổ chức hội thảo chuyên đề...
Tôi cũng muốn mời ông dự cuộc họp của viện chúng tôi tại Cambridge vào thứ sáu 5/11 để nhận giải thưởng. Viện sẽ trả mọi phí tổn đi lại, lưu trú và các khoản chi tiêu hằng ngày. Nếu ông muốn kéo dài chuyến đi ngoài thời gian dự cuộc họp, trước hoặc sau, chẳng hạn để nói chuyện với các nhà toán học tại đây hoặc tại những nơi khác, chúng tôi sẵn lòng thanh toán mọi chi phí.
Tôi cũng viết thư cho ông Laumon để thông báo với ông ấy về giải thưởng và mời ông ấy đến dự cuộc họp để cùng nhận giải thưởng với ông. Chúng tôi cũng mời ông ấy nói chuyện về công trình mà ông ấy và ông đã hoàn thành về bổ đề cơ bản.
Tôi chờ đợi để sớm được nói chuyện với ông. Chúng ta có thể thoả thuận về thời gian tôi gọi điện cho ông?
Rất chân thành,
Jim Carlson
Chủ tịch Viện Toán học Clay"

 

Suýt không đến nhận giải được vì hộ chiếu

Sau khi kết thúc hội nghị ở Viện Fields, Ngô Bảo Châu trở về vùng Plaiseau, xanh ngắt những ngọn đồi thông, mênh mông những cánh đồng kiều mạch ở ngoại thành Paris, nơi anh sống cùng vợ - chị Nguyễn Bảo Thanh, người bạn gái cùng lớp từ thời còn học cấp II chuyên toán Trưng Vương - và ba cô con gái nhỏ. Hộ chiếu sắp hết hạn. Anh phải đến ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để xin gia hạn, điều này không khó. Nhưng rồi, sau đó, liệu có còn đủ thời gian để làm thị thực nhập cảnh vào Mỹ không?
Mấy năm gần đây, do quá lo sợ khủng bố, việc xét cấp visa cho công dân các nước Á, Phi vào Mỹ thường kéo dài cả tháng. Anh Châu sang Pháp học từ năm 1990, không phải do tiền Nhà nước ta cấp, không bị ràng buộc bởi lời cam kết phải trở về nước phục vụ. Sống và làm việc tại Paris đã gần 15 năm, thế mà, do đạo lý "uống nước nhớ nguồn", anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, mang cuốn hộ chiếu phổ thông bìa xanh, cho dù điều ấy lắm khi gây phiền hà cho anh, chẳng hạn trong việc xin visa vào Mỹ. Anh định nhờ G. Laumon thay mặt cho cả hai người sang Cambridge nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay. Bởi vì, G. Laumon mang hộ chiếu Pháp, sang Mỹ đâu có cần visa!
Đang gần như hết hy vọng, bỗng anh được biết: Viện Toán học Clay đã nhờ Thượng nghị sĩ E. Kennedy can thiệp, gọi điện thẳng từ Boston sang Paris cho Đại sứ quán Mỹ.
Thế là, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, anh nhận được visa!
Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu Clay năm 2004 diễn ra giản dị mà trọng thể trong phiên họp hằng năm của Viện Toán học Clay, tại giảng đường Đại học Harvard (Mỹ) ngày 5/11/2004. Cho tới hôm ấy, chỉ mới có 12 nhà toán học trên thế giới được tặng giải thưởng này.
GS Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay năm 2004.
Năm 2005, Nhà nước ta đã đặc cách công nhận chức danh Giáo sư kiêm chức cho Tiến sĩ khoa học Ngô Bảo Châu. Anh trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam, 33 tuổi.
Còn Giáo sư Gérard Laumon, sau khi nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay, đã được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Nhà toán học Ngô Bảo Châu (phải) nhận bằng giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

 

Thêm 2 lần được thế giới vinh danh

Sau khi nhận Giải thưởng Clay ở Mỹ, Ngô Bảo Châu còn được tặng Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) ở CHLB Đức. Đây là giải thưởng toán học ba năm mới tặng một lần cho một hoặc hai nhà toán học dưới 36 tuổi có công trình đặc biệt xuất sắc ở châu Âu.
Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) năm 2007 dành cho một mình Ngô Bảo Châu, do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số (algebra and number theory). Giải do Quỹ Oberwolfach và Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach ở Đức trao tặng.
Công trình mới của nhà toán học mang quốc tịch Việt Nam làm việc tại Đại học Orsay (tức Đại học Paris-Sud) nhằm giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản theo phỏng đoán của Langlands và Shelstad (the conjecture of Langlands and Shelstad).
GS Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Oberwolfach năm 2007 (lễ trao giải diễn ra đầu năm 2008) ở Đức
Với những chứng minh xác đáng, Ngô Bảo Châu được thừa nhận là chuyên gia dẫn đầu ở nơi gặp gỡ giữa hình học đại số và lý thuyết các dạng tự đẳng cấu. Nếu năm 2004, cùng G. Laumon, Ngô Bảo Châu mới giải quyết Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita; thì giờ đây, anh đưa ra lời giải cho các trường hợp khái quát hơn.
Đọc diễn văn ca ngợi (laudatory speech) tại buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức vào đầu năm 2008, GS Rapoport coi công trình mới của Ngô Bảo Châu là "một thành tựu sáng chói" (a brilliant achievement). Sau đó, GS Ngô Bảo Châu còn nhận được Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung - viện trưởng Viện Toán học VN, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba - nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đầu năm 2004 Ngô Bảo Châu và GS Gérard Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về bổ đề cơ bản trong chương trình langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới.
Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng giải thưởng Clay danh giá. Đầu năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn”.
GS Ngô Việt Trung coi GS Ngô Bảo Châu là “một ngôi sao sáng trên vòm trời toán học VN” và kết luận: “Chúng ta có cơ sở để hi vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của toán học là Huy chương Fields”.
Cách đây không lâu, trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa - chủ tịch Hội Toán học VN, tôi được biết GS Ngô Bảo Châu đã được chính thức mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể đại hội toán học thế giới sẽ họp tại Ấn Độ năm 2010. Theo GS Hoa, giới toán học VN hiện đang nóng lòng chờ đợi tin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields.
Nếu điều dự báo của vị chủ tịch Hội Toán học Việt Nam xảy ra, đó sẽ là một sự kiện khoa học rất lớn bởi vì ngay cả Trung Quốc, với 1,3 tỉ dân, cũng chưa có nhà toán học nào giành được vinh dự khoa học cao quý ấy. Hàn Quốc, Singapore mặc dù khoa học và công nghệ phát triển hơn ta rất nhiều nhưng vẫn chưa có ai đoạt Huy chương Fields. 
(Theo Hàm Châu/ Tuổi Trẻ)